Sign In

Quý I năm 2016, tình hình sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có nhiều chuyển biến tích cực; Sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng khá so cùng kỳ; Sản nông nghiệp do thời tiết diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh trưởng và phát triển của cây trồng; Các ngành dịch vụ hoạt động kinh doanh ổn định, thị trường hàng hoá, dịch vụ trên địa bàn đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, nhất là trong dịp Tết. Tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn ổn định. Tình hình thực hiện của các ngành, lĩnh vực cụ thể như sau:

Về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn -GRDP) quý I/2016 đạt khá, ước tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2015, cao hơn mức tăng của cả nước (cả nước tăng 5,5%), trong đó: ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 1,63%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 7,6%, các ngành dịch vụ tăng 7,1%.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng khu vực công nghiệp – dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, cụ thể khu vực công nghiệp – xây dựng chiếm 62,3 %, khu vực dịch vụ chiếm 26,9 % và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 10,8%.

Sản xuất Nông – Lâm nghiệp và Thuỷ sản

UBND tỉnh đã ban hành Quyết định về Quy định thực hiện một số cơ chế, chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 201/2015/NQ-HĐND của HĐND tỉnh để hỗ trợ người sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương tập trung thu hoạch vụ đông và tiến hành gieo trồng vụ xuân cho kịp thời vụ.

Tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gặp thời tiết thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài vào cuối tháng một, đầu tháng hai nên đã có một số diện tích và hoa màu bị thiệt hại. Tuy nhiên nhờ có sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của các cấp chính quyền nên nhìn chung tình hình sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn có được sự ổn định.  Ước giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp thủy sản tăng 1,68% so với cùng kỳ. Kết quả thực hiện trên từng lĩnh vực như sau:

Về trồng trọt: vụ Đông toàn tỉnh gieo trồng được 20,6 nghìn ha, giảm 4,6% so với cùng kỳ. Năng suất của các cây trồng vụ Đông đạt khá nhưng do diện tích giảm nên sản lượng hầu hết cây trồng vụ Đông giảm so với cùng kỳ, như: Sản lượng ngô giảm 1,01%, đậu tương giảm 21,9%, rau các loại giảm 2,3% so với cùng kỳ. Vụ Xuân:  Công tác gieo trồng vụ Xuân được tiến hành đảm bảo khung thời vụ. Tổng diện tích gieo trồng các loại cây trồng đạt 38,9 nghìn ha, giảm 3% so với cùng kỳ, trong đó diện tích lúa gieo cấy được 30,1 nghìn ha, đạt 98,6% kế hoạch vụ, giảm 2,2% so với cùng kỳ.

Về sản xuất chăn nuôi: Trong kỳ giá thức ăn chăn nuôi ổn định, giá các sản phẩm chăn nuôi ở mức khá, cùng với nhiều nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho sản xuất chăn nuôi nên ngành chăn nuôi phát triển ổn định, quy mô sản xuất được mở rộng. Công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm được thực hiện tốt, đến nay không xảy ra dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Quy mô tổng đàn hầu hết tăng so với cùng kỳ, trừ đàn trâu giảm do xu hướng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nên số trâu nuôi lấy sức kéo giảm. Tổng đàn trâu giảm 1,7% so với cùng kỳ, tổng đàn bò tăng 3,9% so với cùng kỳ,  đàn lợn tăng 5,3% so với cùng kỳ; đàn gia cầm tăng 7% so với cùng kỳ.

Sản xuất lâm nghiệp: Ước đến hết tháng 3 năm 2016, diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 85 ha, tăng 21,4%  so với cùng kỳ. Công tác chăm sóc rừng, giao khoán và bảo vệ rừng được tiến hành thường xuyên. Tỉnh đã ban hành kế hoạch trồng cây phân tán và phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” kết quả đến nay toàn tỉnh đã trồng được 121,2 nghìn cây lâm nghiệp và cây ăn quả. Công tác bảo vệ và phòng chống cháy rừng luôn được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo tuy nhiên vẫn xảy ra 01 vụ cháy rừng với diện tích cháy 18,4 ha cháy dưới tàn toàn bộ thực bì.

Sản xuất thuỷ sản: Trong quý I/2016, giá thủy sản ổn định ở mức tương đối cao cùng với nhu cầu tiêu dùng tăng vào dịp trước, trong và sau tết Nguyên Đán đã thúc đẩy nuôi trồng thủy sản phát triển. Diện tích nuôi trồng thủy sản tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng 2,9% so với cùng kỳ.

Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp quý I/2016 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn giữ được mức ổn định và có chiều hướng phát triển, 2 ngành sản phẩm chiếm tỷ trọng giá trị cao vẫn duy trì và phát triển tốt (ô tô, linh kiện điện tử); bên cạnh đó sản phẩm chủ lực chiếm tỷ trọng cao nhất (xe máy) gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm (do nhu cầu bão hòa); các ngành sản xuất khác phát triển ổn định. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 3 năm 2016 tăng 29,05% so với tháng trước và tăng 6,44% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2016 ước tăng 2,35% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao so với cùng kỳ như: Ngành sản xuất chế biến thực phẩm tăng 4,77%; ngành dệt tăng 7,53%; ngành sản xuất linh kiện điện tử tăng 47,38%; ngành sản xuất xe có động cơ tăng 13,18%; ngành sản xuất phân phối điện, khí đốt tăng 13,98%; ngành khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,25%;...

Ước thực hiện quí I năm 2016, các đơn vị sản xuất công nghiệp trên địa bàn sản xuất được 72.266 m3 đá các loại giảm 0,38% so với cùng kỳ; 39.859 tấn thức ăn gia súc, tăng 11,21%; 14.121 ngàn quần áo mặc thường tăng 18,24%; 17.576 ngàn m2 gạch ốp lát, giảm 4,51%; 239.503 ngàn viên gạch xây dựng bằng đất sét tăng 9,78%; 13.192 xe ô tô các loại, tăng 13,18%; 440.280 xe máy các loại giảm 6,77%; điện thương phẩm 459 triệu kw.h, tăng 13,98%; nước thương phẩm 3.425 ngàn m¬3,  tăng 13,86%...

Một số ngành dịch vụ chủ yếu

Quý I/2016, tình hình bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động, nhân dân tập trung nhiều cho mua sắm hàng tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán nên hàng hoá tiêu thụ mạnh vào những ngày cuối tháng 1 và đầu tháng 2. Sau tết, tình hình bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng có giảm hơn, song do nhu cầu tiêu dùng cần thiết của nhân dân nên lượng hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng vẫn giữ được mức ổn định. Công tác quản lý thị trường được tăng cường và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Giá cả thị trường trước trong và sau tết cơ bản ổn định, không xảy ra hiện tượng thiếu hàng gây "sốt" giá; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 0,69% so với cùng kỳ năm 2015 do giá một số mặt hàng thiết yếu có biến động nhẹ.

Hoạt động xuất khẩu đạt kim ngạch khá so cùng kỳ, tháng 3/2015 ước đạt 113,6 triệu USD và ước quý I/2015 xuất khẩu đạt 342,5 triệu USD tăng 21,85% so cùng kỳ; một số mặt hàng tăng cao như xe máy, các mặt hàng còn lại ổn định hoặc giảm nhẹ. Kim ngạch nhập khẩu quý I/2015 ước đạt 467,96 triệu USD, tăng 11,8% so cùng kỳ năm 2014.

Dịch vụ vận tải ổn định, đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất kinh doanh và tình hình đi lại của nhân dân; tổng khối lượng vận chuyển, luân chuyển hàng hoá, hành khách và doanh thu vận tải đều tăng so với cùng kỳ năm 2015.Tổng khối lượng hàng hóa vận chuyển so cùng kỳ tăng 6,65% về tấn và tăng 7,97% về tấn.km. Khối lượng hành khách vận so cùng kỳ tăng 2,65% về hành khách và tăng 2,37% về km.

Các hoạt động du lịch: Kinh doanh du lịch diễn ra sôi động với các hoạt động du lịch tâm linh, đã có hàng vạn du khách đến với các trung tâm du lịch Tây Thiên, các lễ hội được tổ chức trên địa bàn, tổng số lượt khách đạt 949.166 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 6.549 lượt khách, khách nội địa đạt 942.617 lượt khách, tăng 10,9% so với cùng kỳ và tổng doanh thu đạt 342 tỷ đồng bằng 26,5% so với kế hoạch và tăng 17,8% so với cùng kỳ.

Dịch vụ tín dụng ngân hàng tiếp tục đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế. Lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng trong đầu quý có xu hướng tăng nhẹ do yếu tố đáp ứng nhu cầu thanh toán và dự phòng chi trả trong dịp Tết Nguyên đán, hiện nay đã được duy trì ổn định. Mặt bằng lãi suất cho vay ở mức 5,5-9%/năm đối với ngắn hạn, 7,2-11%/năm đối với trung và dài hạn. Hoạt động ngoại hối, vàng bạc trên địa bàn ổn định. Tổng nguồn vốn huy động tăng nhẹ so với cuối năm 2015. Dư nợ cho vay tăng 0,44% so với cuối năm 2015, chủ yếu vào các hoạt động sản xuất kinh doanh (chiếm 78%). Nợ xấu chiếm 1,24% trên tổng dư nợ, nhờ giảm thấp nên đã góp phần cải thiện thanh khoản của hệ thống ngân hàng, giảm mặt bằng lãi suất, mở rộng tăng trưởng tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Thu - chi ngân sách: Quý I/2016, thu ngân sách nhà nước đạt kết quả khá cao;, ước đạt 7.383,6 tỷ đồng, tăng 13,8% so cùng kỳ, đạt 29% so dự toán năm, trong đó: thu nội địa đạt 6.683,1 tỷ đồng, tăng 15,7% so cùng kỳ, đạt 29% so dự toán năm. Chi ngân sách nhà nước đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi của tỉnh, ước quý I/2016 tổng chi ngân sách ước đạt 2.516 tỷ đồng, đạt 17% so dự toán.

Về tình hình phát triển doanh nghiệp dân doanh: Năm 2016, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các cấp thực hiện nhiều giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt để tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhất là các vấn đề về cải cách các thủ tục hành chính, vấn đề về tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, về tiếp cận quỹ đất sạch, về các thủ tục hải quan, thuế...

Quý I/2016, toàn tỉnh có 156 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 767 tỷ đồng, tăng 57% về số doanh nghiệp và tăng 99% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015, tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt 4,9 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ. Tính đến hết tháng 3 năm 2016, tổng số doanh nghiệp đăng ký trong tỉnh là 6.654 doanh nghiệp, vốn đăng ký là 49,5 nghìn tỷ đồng.

Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn có chiều hướng hồi phục mạnh hơn, qua đó đã giải quyết việc làm cho hơn 1.569 lao động. Số doanh nghiệp gặp khó khăn phải làm các thủ tục giải thể, chấm dứt hoặc tạm dừng hoạt động kinh doanh giảm 11,7% so với cùng kỳ.

Tình hình giải ngân vốn ODA, thu hút vốn FDI

Thu hút đầu tư đạt hiệu quả cao và có xu hướng thuận lợi do tỉnh tập trung xúc tiến đầu tư tại chỗ và đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư. Ba tháng đầu năm 2016, đã thu hút được 8 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 91,88 triệu USD (gồm 91,02 triệu USD đăng ký mới và 0,86 triệu USD điều chỉnh tăng vốn) so với cùng kỳ bằng 88,9% về số dự án, bằng 107,8% về vốn đầu tư, đạt 36,8% kế hoạch năm. Lũy kế đến hết tháng 3/2016, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 213 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.330 triệu USD, vốn thực hiện ước đạt 65,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các dự án cấp phép từ đầu năm đều là những dự án có khả năng giải ngân nhanh và thuộc các lĩnh vực tỉnh đang thu hút đầu tư.

Tình hình giải ngân vốn ODA: Hiện nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang triển khai 03dự án ODA, trong đó có 01 dự án do tỉnh Vĩnh Phúc làm chủ quản đầu tư sử dụng vốn ODA Nhật Bản (Dự án Cải thiện môi trường đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc); 02Dự án do các cơ quan trung ương làm chủ quản đầu tư gồm: Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn bền vững các tỉnh phía Bắc sử dụng vốn vay ADB, Dự án nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Vĩnh Phúc sử dụng vốn vay WB. Ba tháng đầu năm giải ngân vốn ước đạt 217,5 tỷ đồng, đạt 45% so với kế hoạch năm (bao gồm: 170,8 tỷ đồng vốn ODA và 46,7 tỷ đồng vốn đối ứng). Nguyên nhân tỷ lệ giải ngân đạt cao là do Dự án Cải thiện môi trường đầu tư chiếm tỷ trọng vốn lớn đang trong giai đoạn chuẩn bị kết thúc.

Tình hình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2016 của các nguồn vốn: Dự kiến tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh quý I/2016 đạt 4.260,52 tỷ đồng, giảm 33,06% so với quí trước và tăng 12,55% so với quí cùng kỳ. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước trên địa bàn thực hiện 1.050 tỷ đồng, vốn ngoài nhà nước thực hiện 2.041 tỷ đồng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 1.168 tỷ đồng. Nguyên nhân giảm là do trong quí I/2016 có số ngày nghỉ kéo dài, lại là quí đầu năm nên hầu hết các công trình dự án mới vẫn trong giai đoạn chuẩn bị hồ sơ, làm thủ tục; vốn đầu tư tập trung chủ yếu vào các công trình chuyển tiếp và công trình đang được thi công dở dang trong năm 2015 nên phần nào ảnh hưởng tới đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh.

Về tình hình an sinh xã hội

Nhìn chung, đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh tiếp tục được cải thiện, an sinh xã hội được đảm bảo; Các hoạt động văn hoá thể thao chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, mừng 86 năm thành lập Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới diễn ra sôi nổi trên địa bàn tỉnh. Trong tháng 3/2016, Tỉnh đã tổ chức thành công Lễ đón nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh Tây Thiên và Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn tại Quảng trường Hồ Chí Minh với Chương trình nghệ thuật “Vĩnh Phúc Thiên tình ca non nước”. Chương trình có quy mô lớn, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, ý nghĩa giáo dục và sức lan tỏa rộng rãi, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của tỉnh Vĩnh Phúc và là dịp để tỉnh mở rộng quảng bá hình ảnh về đất và người Vĩnh Phúc đến với du khách trong và ngoài tỉnh.

Công tác khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn được quan tâm, chú trọng nên không có dịch bệnh lớn xảy ra; công tác vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo.Công tác giải quyết việc làm cho người lao động mặc dù đã được UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt, các cấp các ngành tích cực triển khai thực hiện. Hoạt động hỗ trợ các đối tượng chính sách, gia đình khó khăn được các cấp, các ngành tích cực quan tâm, thực hiện. Công tác thăm hỏi tặng quà được tổ chức chu đáo, trang trọng, đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng, thể hiện được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính quyền địa phương với người có công. Trong dịp tết nguyên Đán đã tổ chức các đoàn thăm hỏi tặng quà cho  42.152 đối tượng, với tổng kinh phí là 18.470 triệu đồng.

Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, trong quý toàn lực lượng Công an tỉnh đã đồng loạt ra quân, thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội trên địa bàn. Tình hình tai nạn giao thông đường bộ quý I/2016 trên địa bàn xảy ra 06 vụ, làm 8 người chết, bị thương 28 người, so với cùng kỳ năm 2015 giảm 04 số vụ, 01 người chết nhưng số người bị thương tăng 22 người. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được đẩy mạnh, duy trì. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng CAND được triển khai thực hiện nghiêm túc. Công tác phòng cháy, chữa cháy được tăng cường tuy nhiên vẫn để xảy ra 12 vụ cháy, gây thiệt hại khoảng 3,3 tỷ đồng và 18,4 ha rừng./.

Thang Thu Hiền
Chuyên viên Phòng Tổng Hợp