Sign In

Bên cạnh đó cũng có những khó khăn tác động không nhỏ đến tỉnh đó là: Tình hình xung đột ở Ukraine-Nga có diễn biến căng thẳng làm giá xăng dầu, vàng, giá một số nguyên vật liệu,... tăng cao; trong nước và trong tỉnh tử sau Tết Nguyên đán tới nay dịch bệnh diễn biến phức tạp với biến thể Omicron lây lan rất nhanh, số ca mắc tăng nhanh. Trước bối cảnh đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời các cấp, các ngành, các doanh nghiệp trong tỉnh tập trung phòng, chống dịch Covid-19, duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó, Quý I năm 2022 tình hình kinh tế của tỉnh tiếp tục ổn định, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng an ninh được giữ vững. Kết quả cụ thể như sau:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 7,89% so cùng kỳ năm trước, thấp hơn tốc độ tăng 8,78% của quý I năm 2021 nhưng cao hơn tốc độ tăng 6,38% của quý I năm 2020. So với các địa phương trong cả nước, tốc độ tăng trưởng GRDP quý I của Vĩnh Phúc đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố. Trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục giữ vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, đạt mức tăng 14,52%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,10%; khu vực dịch vụ tăng 1,17%; thuế sản phẩm tăng 1,64%.

Sản xuất công nghiệp vượt qua khó khăn của dịch bệnh tiếp tục khởi sắc đạt mức tăng trưởng cao. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) ước tăng 15,29% so với cùng kỳ. Một số ngành công nghiệp chủ lực vẫn duy trì tốc độ tăng cao so cùng kỳ như: sản xuất linh kiện điện tử tăng 21,99%; sản xuất ô tô tăng 10,07%; sản xuất xe máy tăng 15,47%; sản xuất trang phục tăng 18,75%; dệt tăng 6,88%; sản xuất kim loại tăng 2,45%...

Sản xuất nông nghiệp diễn ra trong điều kiện thời tiết có những đợt rét đậm, rét hại, mưa kéo dài ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng vụ đông, sản xuất vụ xuân vẫn cơ bản bám sát khung lịch thời vụ, đảm bảo tiến độ. Diện tích gieo trồng cây hằng năm của toàn tỉnh tăng 1,98% (+301,02 ha) so với vụ Đông năm trước. Chăn nuôi gia cầm phát triển ổn định, chăn nuôi lợn gặp khó khăn do giá thức ăn tăng trong khi giá lợn có xu hướng giảm. Các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi tiếp tục được thực hiện tốt, chưa phát hiện các ổ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng đạt giảm 1,20%, thịt lợn tăng 4,62% so với quý I năm 2021. Diện tích rừng trồng mới tập trung ước đạt 109,0 ha, tăng 6,86%. Diện tích nuôi trồng thủy sản giảm 0,96% so cùng kỳ do gặp khó khăn về giá thức ăn tăng cao làm tăng chi phí đầu vào...

Hoạt động kinh doanh thương mại diễn ra sôi động, nhất vào thời điểm tháng Một. Người dân tăng cường mua sắm hàng hóa chuẩn bị đón Tết Cổ truyền. Từ nửa cuối tháng Hai, dịch bệnh Covid-19 bùng phát với nhiều ca lây nhiễm trong cộng đồng nên hoạt động thương mại, dịch vụ có phần trầm lắng hơn. Tính chung ba tháng đầu năm, thị trường ổn định, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng nhẹ với mức 1,21% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tính đến ngày 23/3/2022 đạt 10.559 tỷ đồng, đạt 33% dự toán, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu nội địa đạt 9.005 tỷ đồng, đạt 33% dự toán, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Quản lý chi ngân sách được tăng cường, tổng chi ngân sách địa phương ước đạt 2.721,66 tỷ đồng, đạt 14,4% dự toán, bằng 90,6% so với cùng kỳ.

Hoạt động ngân hàng, tín dụng: Thị trường tiền tệ trong quý nhìn chung ổn định. Mặt bằng lãi suất huy động phổ biến ở mức từ 0,1-6,5%/năm đối với tùy loại tiền gửi. Lãi suất cho vay từ 4-9,5%/năm tùy lĩnh vực và thời hạn. Nguồn vốn huy động ước đến 31/3/2022 đạt 97 nghìn tỷ đồng, tăng 0,68% so với cuối năm 2021, trong đó tiền gửi TCKT đạt 30,63 nghìn tỷ đồng, giảm 6,22% so với cuối năm 2021, chiếm tỷ lệ 31,58% trên tổng nguồn vốn huy động. Dư nợ tín dụng hết tháng 3/2022 ước đạt 106 nghìn tỷ đồng, tăng 3,88% so với cuối năm 2021, trong đó cho vay ngắn hạn đạt 74,1 nghìn tỷ đồng, tăng 4,64% so với cuối năm 2021, chiếm 69,9% tổng dư nợ; dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 31,9 nghìn, tăng 2,16% so với cuối năm 2021, chiếm 30,1% tổng dư nợ.

Tình hình đầu tư công:  UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 là giải pháp quan trọng để hỗ trợ tăng trưởng cho nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; Ngay từ đầu năm, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, kịp thời, quyết liệt và đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp. Khối lượng thực hiện và giải ngân vốn trong Quý I năm 2022 đạt 766,375 tỷ đồng, bằng 11,05% so với tổng kế hoạch vốn được giao (tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2021 ‑ kết quả giải ngân Quý I năm 2021 là 4,9%).

Thu hút đầu tư Quý I/2022 đạt thấp so với cùng kỳ năm 2021 do Quý I năm 2021 có 05 dự án đầu tư hạ tầng KCN được chấp thuận chủ trương đầu tư, có vốn đầu tư lớn. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến việc tìm hiểu môi trường đầu tư của các nhà đầu tư hạn chế. Kết quả Quý I năm 2022 có 6 dự án FDI và 3 dự án DDI được đăng ký và cấp mới giấy chứng nhận đầu tư, chủ trương đầu tư, 13 lượt dự án FDI và 4 lượt dự án DDI được đăng ký tăng vốn đầu tư. Tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn các dự án FDI đạt 183,25 triệu USD bằng 72,21% so với cùng kỳ năm 2021 và các dự án DDI đạt 1.345,5 tỷ đồng bằng 26,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy tổng số vốn thu hút đầu tư đạt thấp nhưng điểm sáng trong quý I đó là tỉnh đã thu hút được 02 dự án có tổng vốn đầu tư trên 50 triệu USD (Dự án sản xuất kinh doanh ghế sofa, đệm và trang trí nội thất tại Sơn Lôi, Vĩnh Phúc của Doanh nghiệp chế xuất Nitori Việt Nam với tổng vốn đầu tư 61,5 triệu USD và dự án Nhà máy Ojitex Vĩnh Phúc của Công ty TNHH Ojitex Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 58 triệu USD).

Về phát triển doanh nghiệp, trong quý I/2022 trên địa bàn tỉnh có 293 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 3.754 tỷ đồng, tăng gần 5% về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài ra có 187 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 5,6% so với cùng kỳ, 21 doanh nghiệp đã giải thể, 297 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động có thời hạn và có 320 số lần doanh nghiệp tiến hành các thủ tục đăng ký thay đổi. Tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đạt 96,49% .

Hoạt động văn hóa, thông tin và thể thao với nội dung, hình thức được triển khai tương đối phong phú, đa dạng, phù hợp với diễn biến của dịch bệnh. Công tác quản lý di sản tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác chuẩn bị đăng cai tổ chức môn Muay và Gofl Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) năm 2022 tại Vĩnh Phúc được tập trung. Các huyện, thành phố chuẩn bị các điều kiện tổ chức Đại hội Thể dục – Thể thao các cấp. Ban hành các Kế hoạch tổ chức các giải thể thao tỉnh Vĩnh Phúc và tham gia các giải thể thao quần chúng toàn quốc năm 2022.

Giáo dục và Đào tạo được tổ chức triển khai linh hoạt phù hợp với diễn biến của đại dịch Covid-19. Từ ngày 21/3 học sinh các khối lớp 7,8,9 đi học trực tiếp trở lại, ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức sơ kết học kì I năm học 2021-2022 và tiếp tục triển khai các công tác dạy và học cho học sinh kỳ II năm học 2021-2022.

Y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân:  Tình hình dịch bệnh Covid-19 trong Quý I/2022 diễn biến phức tạp. Ngành Y tế đã khẩn trương, quyết liệt, điều động, huy động tối đa các lực lượng tham gia các các hoạt động phòng, chống dịch; thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin do Thủ tướng Chính phủ phát động. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân tiếp tục được quan tâm, việc thực hiện Quy chế bệnh viện, Quy trình kỹ thuật chuyên môn được thực hiện nghiêm túc. Cán bộ trong các bệnh viện đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, được người bệnh và gia đình người bệnh hài lòng. Các đơn vị y tế tiếp tục triển khai kỹ thuật mới trong khám chữa bệnh. Một số đơn vị y tế đã triển khai thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu như: chụp, nong và đặt stent động mạch chi (trên, dưới) số hóa xóa nền; chụp, nong và đặt stent điều trị hẹp động mạch ngoài sọ (mạch cảnh và đốt sống) số hóa xóa nền; nội soi niệu quản tán sỏi bằng laser; nội soi bàng quang tán sỏi bằng Laser… Đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế đầy đủ, kịp thời cho công tác khám, chữa bệnh nhất là phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Thuốc và sinh phẩm y tế được đảm bảo cả về chất lượng, giá cả hợp lý; việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả.

Lao động, giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm. Trong quý I/2022, toàn tỉnh ước giải quyết việc làm cho: 5.492 lao động (đạt 32,3% so với Kế hoạch năm 2022). UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh. Tổ chức ký cam kết chỉ tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo năm 2022. Huy động được sự tham gia của các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ 100% hộ cận nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán, bình quân 500.000đ/hộ. Thực hiện tốt việc giải quyết chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân người có công. Việc cấp sổ BHXH, thẻ BHYT được thực hiện kịp thời, đúng quy định, 99,5% trên tổng số người tham gia đóng BHXH được cấp sổ. Các chính sách đối với đồng bào dân tộc được triển khai tốt…

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiếp tục được tổ chức thực hiện. Mô hình trình diễn tại vườn thực nghiệm, nhà màng, nhà kính của Trung tâm ứng dụng KHCN vừa làm nơi tham quan học tập, chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao cho nhân dân như mô hình Nho Hạ đen, Aquaponics, mô hình Táo, bưởi đỏ, dưa lưới,... Tiếp tục nuôi trồng, chăm sóc 30-50.000 phôi nấm dược liệu Linh chi, Vân chi,...; sản xuất 1.500 phôi nấm Đông trùng Hạ thảo; hoàn thiện thủ tục pháp lý, phát triển, thương mại, đa dạng hóa một số sản phẩm sau nghiên cứu khoa học…

Công nghệ thông tin: UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức nhiều nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Chuẩn bị vận hành chính thức nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung (LGSP) tỉnh Vĩnh Phúc. Phần mềm một cửa, dịch vụ công trực tuyến iGate của tỉnh đã triển khai tại 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Kết nối 354 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 với Cổng Dịch vụ công quốc gia (106 dịch vụ công mức độ 3, 248 dịch vụ công mức độ 4). Hoạt động giám sát an toàn thông tin được thực hiện liên tục trên không gian mạng; không có sự cố mất ATTT nghiêm trọng nào xảy ra.

Công tác quản lý đất đai được quan tâm chỉ đạo. Các phương án sử dụng đất đai trong Quy hoạch tỉnh tiếp tục được nghiên cứu, hoàn chỉnh. Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 của 4 huyện, thành phố đã được phê duyệt. Bảo vệ môi trường nhất là bảo vệ môi trường trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 được chú trọng. Đề án thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và vệ sinh môi trường đến năm 2025 được ban hành và đang cụ thể hóa để triển khai. Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tổ chức cá nhân thực hiện việc đóng cửa mỏ đối với các mỏ hết hiệu lực giấy phép.

Công tác sắp xếp, tổ chức bộ máy, xây dựng vị trí việc làm, quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức tiếp tục được tổ chức thực hiện tốt. UBND tỉnh đã ban hành Đề án đột phá về công tác cán bộ khối quản lý nhà nước giai đoạn 2021 – 2025; thành lập Đoàn Kiểm tra trách nhiệm thực thi công vụ năm 2022 đối với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; Công tác quốc phòng, an ninh được đảm bảo.

Lê Duy Thơ
Phó phòng Tổng hợp quy hoạch